Elmich Dr.Sleep

Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ là bệnh gì?

30 tháng 09 2024
Phạm Ngọc Ánh

Ngủ là nhu cầu tự nhiên của cơ thể, giúp tái tạo năng lượng và duy trì các chức năng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người dù đã ngủ đủ giấc hoặc dành nhiều thời gian để ngủ nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ cả ngày. Cùng Elmich Dr.Sleep tìm hiểu tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ là bệnh gì và có cách nào khắc phục trong bài viết dưới đây.

Ngủ nhiều là gì?

Ngủ nhiều là tình trạng một người ngủ vượt quá số giờ ngủ trung bình hoặc vượt quá mức cần thiết của cơ thể. Tuy nhiên, thời gian ngủ cần thiết cho mỗi người là khác nhau, Có người chỉ cần 6 giờ ngủ đã cảm thấy đủ, trong khi người khác cần 9-10 giờ.

Dưới đây là thời gian ngủ cần thiết theo độ tuổi, đối với người có sức khỏe bình thường theo tiêu chuẩn về giấc ngủ của National Sleep Foundation (Mỹ).

Độ tuổi Thời gian ngủ cần thiết
Trẻ sơ sinh (0-3 tháng) 14-17 tiếng
Trẻ nhỏ (3-12 tháng) 12-15 tiếng
Trẻ mẫu giáo (1-3 tuổi) 11-14 tiếng
Trẻ em (3-5 tuổi) 10-13 tiếng
Trẻ em (6-13 tuổi) 9-11 tiếng
Thanh thiếu niên (14-17 tuổi) 8-10 tiếng
Người trưởng thành (18-64 tuổi) 7-9 tiếng
Người cao tuổi (trên 65 tuổi) 7-8 tiếng

Khi ngủ quá nhiều, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải ngay cả khi đã thức giấc, khó tập trung làm việc, giảm năng suất lao động, và thậm chí còn gây ra các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu. Ngoài ra, ngủ quá nhiều còn có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như tăng cân, đau nhức cơ thể, và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Tại sao ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ. Dưới đây là một số lý do phổ biến:

Chất lượng giấc ngủ kém

Tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ thường diễn ra khi cơ thể "thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc". Tuy nhiên chất lượng giấc ngủ kém, ngủ không sâu giấc thì cũng không mang lại hiệu quả.

Khi ngủ sâu, cơ thể tiến hành các hoạt động phục hồi quan trọng như sửa chữa các tế bào bị hư hại, củng cố hệ miễn dịch và sản xuất hormone tăng trưởng.

Vậy nên, Ngủ đủ giấc chưa chắc đã đảm bảo bạn có một giấc ngủ ngon. Các yếu tố như ngáy, ngưng thở khi ngủ, hay thức giấc nhiều lần trong đêm đều khiến chất lượng giấc ngủ giảm sút, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài.

Rối loạn giấc ngủ

Các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, hay ngủ không sâu giấc đều có thể gây ra tình trạng buồn ngủ ban ngày. Các giai đoạn giấc ngủ không diễn ra một cách tự nhiên, dẫn đến việc cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ ngay cả khi bạn đã dành nhiều thời gian trên giường. Điều này giải thích tại sao bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi đã ngủ nhiều.

Rối loạn hô hấp khi ngủ

Ngoài ngưng thở khi ngủ, các rối loạn hô hấp khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra tình trạng buồn ngủ ban ngày. Khi bạn mắc phải tình trạng này, đường thở của bạn bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi ngủ, dẫn đến việc não không nhận đủ oxy. Điều này khiến bạn thức giấc nhiều lần trong đêm, gây gián đoạn giấc ngủ sâu và khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, dù đã ngủ đủ giấc.

Căng thẳng, stress

Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn khi ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi có thể là căng thẳng, stress. Áp lực công việc, cuộc sống, mối quan hệ... khiến tâm trí luôn căng thẳng, khó thư giãn. Khi bạn căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ tiết ra các hormone stress như cortisol, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Mặc dù bạn có thể ngủ đủ giấc về mặt thời gian, nhưng giấc ngủ của bạn lại không sâu và không đem lại cảm giác nghỉ ngơi thực sự. Điều này khiến bạn thức dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải.

Tham khảo: Cách ngủ ít khi cần thiết

Chế độ ăn uống không hợp lý

Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ ngọt, đồ uống có ga, hoặc bỏ bữa đều có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đồng thời chế độ ăn không hợp lý cũng dẫn đến tình trạng thiếu chất, thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết như magie, kali, canxi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất khiến cơ thể mệt mỏi.

Ăn quá ít cũng khiến cơ thể thiếu năng lượng, người mệt mỏi, do không đáp ứng lượng calo cần thiết của cơ thể. Khi cơ thể thiếu năng lượng, nó sẽ chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng. Điều này khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi và khó tập trung.

Bằng cách lựa chọn những thực phẩm phù hợp và xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, bạn có thể ngủ ngon hơn và cảm thấy tràn đầy năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.

Thiếu vận động

Lười vận động khiến cơ thể trở nên lờ đờ, ít năng lượng và thiếu sức sống. Khi ít vận động, tuần hoàn máu kém sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và các cơ quan không hoạt động hiệu quả. Điều này không chỉ gây khó khăn khi ngủ mà còn khiến bạn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.

Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào. Cơ thể cũng tăng sản xuất endorphin, cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.

Sử dụng chất kích thích

Caffeine, nicotine và rượu đều có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Việc sử dụng quá nhiều các chất này khiến bạn khó đi vào giấc ngủ sâu và dễ bị thức giấc giữa đêm.

Khi sử dụng chất kích thích, đặc biệt là vào buổi chiều hoặc tối, chúng sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ bị nông và dễ bị gián đoạn. Mặc dù bạn có thể ngủ đủ số giờ quy định, nhưng chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, khiến bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.

Tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, chẳng hạn như các loại thuốc cảm cúm, thuốc an thần, điều trị dị ứng, trầm cảm và tăng huyết áp.

Đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh mãn tính, có thể gây ra tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi như một tác dụng phụ không mong muốn. Nếu bạn đang sử dụng loại thuốc nào đó hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đồng thời hỏi ý kiến của bác sỹ để sử dụng thuốc phù hợp, đúng thuốc, đúng liều lượng đảm bảo an toàn sức khỏe và hiệu quả điều trị.

Làm việc quá sức

Khi bạn làm việc quá nhiều, cơ thể sẽ bị căng thẳng, mệt mỏi và kiệt sức. Điều này dẫn đến việc chất lượng giấc ngủ giảm sút, dù bạn có ngủ nhiều giờ. Ngay cả khi ngủ đủ giấc, cơ thể vẫn không được nghỉ ngơi hoàn toàn và bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Bạn nên có một vài ngày nghỉ để cơ thể phục hồi kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động để cơ thể lấy lại được trạng thái tốt nhất sẵn sàng cho công việc.

Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

Ngủ nhiều nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Bên cạnh các yếu tố như căng thẳng, chế độ ăn uống, hoặc sử dụng chất kích thích, tình trạng này còn có thể liên quan đến các bệnh lý như:

  • Bệnh tuyến giáp: Cả tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc quá ít đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây mệt mỏi.
  • Bệnh thiếu máu: Thiếu máu làm giảm lượng oxy cung cấp cho các tế bào, gây ra mệt mỏi và khó tập trung.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường không kiểm soát được có thể gây ra nhiều triệu chứng, trong đó có mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ.
  • Bệnh tim mạch: Các bệnh về tim mạch như suy tim, nhịp tim không đều cũng có thể gây ra mệt mỏi và khó thở khi ngủ.
  • Trầm cảm: Trầm cảm là một căn bệnh tâm thần phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng như buồn chán, mất hứng thú, khó ngủ và mệt mỏi.
  • Các bệnh mãn tính khác: Các bệnh như viêm khớp, ung thư, bệnh thận... cũng có thể gây ra mệt mỏi kéo dài.

Nếu bạn đã thử nhiều cách cải thiện giấc ngủ nhưng vẫn không thấy hiệu quả, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

  • Tìm hiểu: 

Kết luận

Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu tình trạng này kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời. Bằng việc điều chỉnh lối sống lành mạnh và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và cảm thấy tràn đầy năng lượng suốt cả ngày.

Tìm kiếm tin tức

Liên hệ với chúng tôi khi cần hỗ trợ

Messenger